búp trà shan tuyết hà Giang

Chè shan tuyết Hà Giang. Tổng quan về cơ hội và giải pháp

Cơ hội và thách thức đối với chè shan tuyết Hà Giang.

Thách thức.

Thị trường chè trong nước hiện nay với trên 80 triệu dân, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 100 triệu dân. Nếu mỗi người dân Việt nam sử dụng sản phẩm chè bình quân  0,5kg/người/năm thì nhu cầu sẽ là 40 – 50 ngàn tấn/năm. Xu thế sử dụng chè nội tiêu hiện nay đòi hỏi chè chất lượng cao, tập trung ở các khu vực đô thị. Vì thế vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất chè nội tiêu cần phải chú ý đến công nghệ và kỹ thuật chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đối với sản phẩm chè Hà Giang mặc dù là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 toàn quốc nhưng thị phần  chè Hà Giang đối với thị trường trong nước rất thấp, gần như người tiêu dùng không biết đến đây chính là khó khăn lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm chè. Nguyên nhân chủ yếu là: Hạ tầng cơ sở tại vùng chè hiện chưa được đầu tư đúng mức; Việc tổ chức quản lý ngành chè còn yếu chưa có giải pháp tối ưu để kết hợp hài hoà giữa người trồng chè, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và các nhà khoa học; Hệ thống thông tin chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng; Các tổ chức, cá nhân tham gia chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè còn gặp nhiều khó khăn về vốn, chưa đủ sức cạnh tranh, thu nhập thấp và chưa yên tâm đầu tư cho cây chè.

Cơ hội.

Nước ta đã tham gia tổ chức WTO, thị trường cho ngành Chè được mở rộng, xu hướng sử dụng chè an toàn, chè sinh học ngày càng lớn, chè Hà giang có nhiều lợi thế đáp ứng việc sản xuất  theo hướng chè sạch an toàn.

Xu hướng sử dụng sản phẩm chè xanh ngày càng cao. Khả năng cạnh tranh về giá có nhiều lợi thế do hiện nay giá chè Việt Nam thấp chỉ tương đương 50 đến 70% giá thế giới.

Tham gia và là thành viên trong hiệp hội chè Việt Nam, tỉnh đã sớm thành lập được Chi hội Chè Hà Giang đây là cơ hội tốt tạo điều kiện cho việc tập trung phát triển tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm chè Hà Giang là một trong những sản phẩm có thương hiệu nằm trong quy hoạch chè cả nước. Hà giang là tỉnh có khí hậu, đất đai phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển của cây chè. Ưu thế chè Shan có thể chế biến thành chè phổ nhĩ, chè xanh, chè đen, chè vàng, chè lipton và nhiều sản phẩm chè khác có thị trường tiêu thụ rất rộng. Là tỉnh có truyền thống trong lĩnh vực sản xuất – chế biến chè nên hầu hết người dân trong tỉnh đều có trình độ am hiểu nhất định, việc triển khai phát triển sản xuất đối với cây chè rất thuận lợi.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trong nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Hà Giang đã nhận ra thế mạnh của cây chè, đã chủ động đề ra các cơ chế chính sách thiết thực đối với vùng chè. Nhiều cơ chế chính sách của tỉnh đã thực sự góp phần tạo dựng nên thương hiệu chè Hà Giang, cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo đối với nhiều huyện vùng cao của tỉnh.

Giải pháp để thu hút đầu tư phát triển chè cho giai đoạn tới.

Tăng cường hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cải tạo, nâng cấp cải tiến công nghệ chế biến chè. Xây dựng nhà máy chế biến chè chất lượng cao với thiết bị công nghệ tiên tiến có công suất lớn (trên 5.000 tấn sản phẩm/năm), thu mua nguyên liệu từ các cơ sở để tinh chế thành sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng thêm một số nhà máy chế biến chè xanh, chè đen với thiết bị tiên tiến, mỗi nhà máy có công suất chế biến trên 15 tấn búp tươi/ngày tại các vùng nguyên liệu chè tập trung: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Khuyến khích các hộ gia đình đầu tư xây dựng các xưởng sản xuất chế biến chè có công suất từ 3 – 5 tấn búp tươi/ngày ở những vùng sâu, nguyên liệu không tập trung, có đường giao thông đi lại không thuận tiện, làm vệ tinh cung cấp sản phẩm chè sơ chế cho các nhà máy công xuất lớn. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao làm chủ được công nghệ sản xuất chế biến chè. Tăng cường xúc tiến thương mại với nhiều hình thức: Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chè Hà Giang, quảng cáo, quảng bá tiếp thị phát triển thị trường ngày càng rộng để có thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài.

Tăng cường đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông và điện phục vụ sản xuất, gắn với xây dựng Nông thôn mới, đây là hai yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè tại các huyện vùng thấp của tỉnh: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên phấn đấu đưa năng suất bình quân đến hết năm 2015 đạt 70 tạ/ha. Đối với các diện tích Chè cổ thụ tập trung chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Vị Xuyên. Cần khuyến khích người dân thu hái, bảo vệ, bảo tồn nguồn giống. Sử dụng và phát triển giống chè Shan.

Gửi bình luận

Shopping Cart
Scroll to Top
Call Now Button
%d bloggers like this: